Wednesday, November 21, 2012

VIỆT NAM VỪA LÀ NƠI XUẤT XỨ, VỪA LÀ ĐIỂM ĐẾN CỦA CÁC TỔ CHỨC BUÔN NGƯỜI


Gia Minh, phóng viên đài RFA
Hoa Kỳ hôm qua vừa công bố bản phúc trình thường niên về tình trạng buôn người trên thế giới. Bản phúc trình có phần nói về tình trạng này tại Việt Nam. Gia Minh lược dịch và trình bày trong phần sau.
CondolezzaRice200.jpg
Ngoại trưởng Condolezza Rice phát biểu tại buổi công bố phúc trình thường niên năm 2006 về tình trạng buôn người. State Department photo by Michael Gross.
Các quốc gia có tệ nạn buôn người mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào bản phúc trình thường niên 2006 được chia làm mấy loại theo mức độ trầm trọng của hoạt động đó. Loại một là có vấn đề, loại hai thì nặng hơn, và loại ba là trầm trọng.

Xếp vào loại hai

Việt Nam bị xếp vào loại hai. Các quốc gia khác như Campuchia, Trung Quốc, Macao, Đài Loan cũng thuộc loại hai trong danh sách theo dõi. Trong khi đó Cộng Hoà Triều Tiên thuộc loại một; Miến Điện, Lào và Bắc Hàn thuộc loại ba.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Condolezza Rice, đến dự buổi công bố phúc trình thường niên năm 2006 về tình trạng buôn người. Đại ý theo bà thì Hoa Kỳ cam kết sẽ giúp các quốc gia loại trừ tình trạng này trên thế giới.
Theo phúc trình vừa công bố của Bộ ngoại giao Hoà Kỳ thì Việt Nam là quốc gia vừa là nơi xuất xứ vừa là điểm đến của số những người bị mua đi bán lại cho mục tiêu mại dâm và lao động cưỡng bức nói chung.
Những nơi mà phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam bị bán đi để làm nô lệ tình dục gồm có những quốc gia gần như Campuchia, Trung Quốc, Hồng Kong, Ma Cao, Đài Loan; cho đến cả những chốn thật xa như Cộng hoà Czech.
Bạn nghĩ gì về tình trạng buôn người tại Việt Nam hiện nay? Xin email về Vietweb@rfa.org
Trong số những phụ nữ được các công ty xuất khẩu lao động của nhà nước tuyển dụng và đưa ra nước ngoài có một số bị rơi vào tình trạng lao động cưỡng bức theo các hình thức khác nhau.
Một số lại bị đưa sang Đài Loan theo dạng hôn thú giả rồi sau đó bị khai thác và lao động tình dục. Có số được môi giới lấy chồng Singapore nhưng sau khi đến tiểu quốc này thì lại rơi vào tình trạng rất dễ bị đưa đẩy đến tay bọn buôn người.

Cần phải nỗ lực hơn

Phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu ra trường hợp những trẻ em Campuchia bị đưa sang Việt Nam để đi ăn xin. Ngoài ra còn có tình trạng buôn người từ nông thôn ra thành thị nữa.
Trước tình trạng vừa nêu, theo đánh giá của phía Hoa Kỳ thì nhà cầm quyền Hà Nội, dù có một số nỗ lực đáng kể trong năm qua, thế nhưng vẫn chưa làm đủ theo những chuẩn mực quốc tế để loại trừ hoạt động buôn người bất hợp pháp đó.
Đại sứ John Miller, giám đốc Văn phòng theo dõi & Chống tệ buôn người thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói về điều này.
WomenTrafficking200.jpg
Cô Tran Mai Hoa, 16 tuổi, trả lời phỏng vấn hãng tin AFP hôm 25-9-2005, sau khi trốn thoát được từ một đường dây buôn người sang Trung Quốc. AFP PHOTO
Một trong những điều mà Việt Nam bị cho là chưa nổ lực đủ đó là ngăn chặn hoạt động buôn bán phụ nữ dưới dạng cô dâu sang những quốc gia trong khu vực Đông Á; cũng như tình trạng lao động cưỡng bức mà những công nhân xuất khẩu gặp phải khi đã ra nước ngoài.
Về mặt lao động cưỡng bức, thì Hoa Kỳ cho rằng Hà Nội chưa có theo dõi đầy đủ các công ty chuyên về xuất khẩu lao động; nhất là khi luật lao động mới vẫn chưa có hiệu lực thi hành.
Đối với công tác truy tố những tội phạm trong lĩnh vực buôn người cho hai mục tiêu vừa nêu thì, phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá là công tác điều tra trong lĩnh vực đưa đi lao động cưỡng bức thì năm qua nhà cầm quyền Hà Nội chưa có nổ lực nào đáng kể; dù rằng Việt Nam có tiếp tục thực thi luật chống buôn bán phụ nữ, trẻ em cho mục đích mại dâm.
Thống kê của cơ quan phòng chống tội phạm của Việt Nam năm qua cho hay có 182 trường hợp bị truy tố và 161 trường hợp bị kêu án do dính líu đến hoạt động buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Luật chống buôn người

Về lĩnh vực bảo vệ các nạn nhân buôn người thì Phúc trình 2006 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng nhà cầm quyền Hà Nội có những khỏan trợ giúp cho chương trình hỗ trợ ban đầu cho những nạn nhân sau khi được giải thoát và đưa về Việt Nam.
Cơ quan chức năng địa phương có hợp tác với những Tổ chức Phi Chính phủ, gọi tắt là NGO để giúp đào tạo nghề, cũng như vốn cho những nạn nhân may mắn trở về Việt Nam.
Tuy nhiên theo phía Hoa Kỳ thì không thấy có những nỗ lực chính thức về các hoạt động bảo vệ cho những nạn nhân bị buộc lao động cưỡng bức.
Hoạt động giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tình trạng buôn người thì phía Hoa Kỳ cho rằng trong năm qua Hà Nội chưa có những chiến dịch cụ thể, mặc dù có kết hợp với một số chương trình giáo dục khác.
Đơn cử như chương trình chống mại dâm đã có từ năm 2001, trong đó gộp chuyện giáo dục và thông tin về hoạt động buôn bán phụ nữ. Rồi chương trình hành động quốc gia giáo dục cộng đồng về ngăn chặn tình trạng buôn bán con người được giao cho Hội Phụ Nữ thực hiện.
Bản phúc trình nói rằng nhà cầm quyền Việt Nam cần phải tập trung tăng cường điều tra khả năng buôn bán lao động trong số công nhân xuất khẩu. Cũng như phải nhìn rõ thấy rõ và bảo vệ cho những cô dâu Việt Nam có khả năng trở thành nạn nhân.
Hoa Kỳ cho rằng nếu luật chống buôn người của Việt Nam toàn diện hơn thì, công tác này sẽ được tăng cường.

Thông tin trên mạng

No comments:

Post a Comment