Tuesday, November 20, 2012

Giải thoát hàng nghìn gái mại dâm




ngày 04 tháng mười một năm 2012-

chuyên mụcTin Tức|Thế Giới|

Câu chuyện về Somaly Mam đã làm rung động hàng triệu trái tim trên thế giới qua cuốn sách: "Con đường đánh mất sự trinh trắng" (The road of lost innocence). Người phụ nữ này từng bị bán làm nô lệ tình dục nói trong cuốn sách: "Tôi không có ý định cứu vớt cả thế giới, chỉ là muốn thay đổi số phận của một cô gái. Và số phận của một cô gái khác. Và thêm một cô gái khác nữa...".

Từ một cô bé không biết tên và tuổi của mình, bị bán vào nhà chứa, bị lạm dụng và bóc lột tàn bạo, chị đã vượt lên tất cả, với sự giúp đỡ của mọi người, thành lập một tổ chức phát hiện, can thiệp, giúp đỡ các nạn nhân của tệ buôn bán tình dục trẻ em, đưa họ hồi hương và hỗ trợ lập nghiệp. Chị đã được giải thưởng Vì quyền trẻ em năm nay. Chị vừa đến Việt Nam làm việc với Tổ chức AFESHIP Việt Nam và Trung tâm hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM. “Tôi viết cuốn sách này bởi vì biết rằng sẽ có một ngày mình bị sát hại và tôi không muốn ra đi trong âm thầm lặng lẽ”- chị nói.
16 tuổi bị đẩy vào nhà thổ


Sinh ra tại tỉnh Mondulkiri, Campuchia, Somaly Mam bị bán làm nô lệ ngay từ nhỏ. Somaly không có chút ký ức gì về bố mẹ mình. Bố mẹ cô đã mất tích lúc cô khoảng 4 tuổi. Đó là vào giữa những năm 1970, trong thời chế độ diệt chủng Pol Pot nắm quyền và sát hại hàng triệu người dân Campuchia. Cô bé mồ côi sống qua ngày nhờ lòng tốt của các người dân ở ngôi làng Bou Sra, nằm sâu thẳm trong các khu rừng tỉnh Mondulkiri.

Một ngày, một già làng gọi cô đến giới thiệu với một người đàn ông lớn tuổi, bảo rằng ông ta biết bố mẹ cô đang ở đâu. Thế nhưng người này dẫn cô đi bộ băng rừng nhiều ngày về nhà hắn ở một ngôi làng sát biên giới Việt Nam. Cô lo việc nấu nướng, giặt giũ. Người đàn ông tối ngày uống rượu. Cuối cùng hắn bán cô cho một nhà thổ ở Phnom Penh để lấy tiền trả nợ. Somaly lúc đó 16 tuổi đã bị đẩy vào một nhà thổ cùng những cô gái trẻ khác, bị tra tấn, hành hạ dã man.

Somaly từ chối ngay từ khách chơi đầu tiên buộc cô cởi quần áo. Đám ma cô nổi giận, lôi cô xuống một căn hầm, nhốt vào "phòng trừng phạt", cho rắn bò lên người. Cô la hét trong đêm tối. Sáng hôm sau khi được đưa ra ngoài, cô mất hết ý thức chống cự. Những năm tiếp theo, Somaly phải "tiếp" hàng ngàn đàn ông. Bất cứ cô gái nào đã vào nhà thổ này mà tỏ ý kháng cự sẽ được đưa vào "phòng trừng phạt" hoặc bị đánh bằng roi điện. Có muốn chạy trốn cũng không biết chỗ nào an toàn.

Một đêm nọ nhìn thấy cảnh người bạn của mình bị một chủ chứa sát hại, Somaly nhận ra bản thân mình cũng đang gặp nguy hiểm. Đêm đó, trong khi Somaly và các bạn đang ngủ, người chồng tên Li của tú bà xăm xăm vào phòng, tay phải lăm lăm khẩu súng lục, miệng sặc mùi rượu. Hắn la tìm cô gái 15 tuổi tên Sreyoun mới vào nhà thổ đã chạy trốn hụt. Somaly kinh hãi nhìn người đàn ông nhảy bổ vào cô gái, bẻ quặp đôi tay ra sau, dí súng sát thái dương. Một phát súng lạnh lùng vang dội. Sreyoun té gục xuống đất. Li bồi thêm hai phát trên xác cô gái đã chết. Kể từ hôm đó, Somaly tự hứa sẽ bắt người đàn ông này đền tội. Lòng cô tràn ngập nỗi thù hận người chồng của mụ tú bà, cùng những ám ảnh niềm thương cảm những người bạn gái đồng cảnh ngộ.

Hành động vì đồng loại



Sau bốn năm như sống trong địa ngục, Somaly có chút tự do đi lại. Chị gặp Pierre Legros, một nhân viên cứu tế xã hội người Pháp, biết nói tiếng Campuchia. Cô tâm sự với chàng trai nước ngoài về cuộc đời mình, về ý định bỏ trốn, về số phận hàng trăm cô gái đang bị giam cầm. Pierre đã tổ chức đám cưới với Somaly năm 1993. Có cơ hội cùng người chồng rời bỏ Campuchia để đến với nước Pháp hoa lệ, nhưng Somaly đã quyết định ở lại Phnom Penh, ở lại đất nước của mình để chiến đấu với nạn mại dâm và nô lệ tình dục: “Tôi luôn có một khao khát sống mãnh liệt để có thể giải cứu những người phụ nữ khác”.

Quá khứ của chính mình đã giúp cô đồng cảm với số phận những bé gái và phụ nữ trong đường dây buôn người. Từng bị đánh đập, cưỡng đoạt và hành hạ, nhưng bằng nghị lực và sự kiên cường, cô đã trở thành người bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em bị hành hạ tại các nhà thổ ở Campuchia.

Năm 1996, một năm sau khi sinh đứa con đầu lòng, vợ chồng Somaly thành lập tổ chức từ thiện mang tên AFESIP (Agir pour les femmes en situation précaire - Hành động vì phụ nữ có hoàn cảnh cơ nhỡ ) tại Campuchia. Sau đó, tổ chức này được triển khai ở Thái Lan, Việt Nam và Lào. Mục tiêu chính của tổ chức là chống lại nạn mua bán trẻ em và phụ nữ làm nô lệ tình dục, đặc biệt là đối tượng trẻ em và trẻ vị thành niên, nhằm cứu giúp các nạn nhân đó. Đến nay, tổ chức này đã giải cứu được hơn 5.000 thiếu nữ từ các nhà thổ Campuchia. Somaly còn vận động thành lập ba nhà mở, hiện cưu mang hơn 300 cô gái không chốn dung thân.

"Từ khi thoát ra khỏi số phận nhục nhã và thành lập Tổ chức AFESIP, tôi hạnh phúc nhất khi thấy những đứa trẻ được cứu thoát và các cô gái lại có thể cười, nụ cười mà họ đã bị tước đi. Tôi hạnh phúc khi chính mình góp phần thực hiện điều đó, để những đứa trẻ tìm lại được tuổi thơ, lại có thể đến trường, vui đùa cùng bạn bè…. Hạnh phúc là khi chúng tôi đưa các cô gái Việt Nam về quê. Các cô ấy đã bị bán đến một xứ sở xa lạ, bị đối xử tàn tệ và khi chứng kiến họ bước qua khỏi lằn ranh biên giới, nghĩ rằng từ nay họ sẽ lại được sống với những người Việt, nói tiếng Việt, ăn thức ăn Việt... tôi thấy rất vui, thật sự hạnh phúc"- Somaly tâm sự với báo giới Việt Nam.



Tôi không có ý định cứu vớt cả thế giới...

Somaly Mam tự hiểu cuộc chiến đấu của mình là bất tận. Những tay buôn gái luôn rảo quanh các làng mạc Campuchia, dụ dỗ các cô gái ngây thơ, hứa hẹn tìm cho một công việc nhẹ nhàng lương cao ở thành phố. Somaly nhớ đến Malis, một cô gái được giải cứu khi chỉ mới 11 tuổi đã bị dì ghẻ bán cho một người nước ngoài với giá 1.000 USD. Malis bị bắt ở chung phòng với người đàn ông suốt một tuần lễ trước khi được cứu. Vì khách này tin bỏ tiền ngủ với một gái trinh sẽ phục hồi hoàn toàn sức lực. Điều kinh khủng là cũng như Malis, nhiều cô gái khác đã được "vá trinh" lại trước khi được đem bán như là các cô gái còn trinh nguyên.

Hay như Sambo lúc 17 tuổi, có người cò mồi hứa sẽ đưa cô vào làm việc trong một nhà hàng ở Phnom Penh để có tiền trả nợ cho gia đình. Thực tế, cô bị bán cho một khách hàng người Hoa cần một gái trinh với giá 500 USD. Cô làm nô lệ tình dục hai năm trong một nhà thổ trước khi được giải cứu. Hiện Sambo đang làm tham vấn cho AFESIP.

Những cô gái thoát nạn được đưa về một trong ba nhà mở của AFESIP, được đào tạo văn hóa và nghề nghiệp. Sau đó tổ chức giúp họ tái hòa nhập với xã hội bằng cách giới thiệu một việc làm hoặc hỗ trợ một ít vốn làm ăn riêng. Khoảng 80% các cô gái điếm đã không bao giờ quay trở lại nghề cũ. Hàng nghìn cô gái Campuchia đã được đổi đời nhờ Somaly Mam.

Mặc dù bản thân và gia đình nhiều lần bị đe dọa nhưng Somaly Mam vẫn muốn giúp đỡ những bé gái và thiếu nữ bị cưỡng ép bán dâm. Nữ diễn viên điện ảnh Mỹ Angelina Jolie, người từng nhận nuôi một trẻ em Campuchia, ca ngợi lòng quả cảm của Somaly : "Sự kiện cô ta thoát ra khỏi nhà thổ là một điều kỳ diệu. Nhưng kỳ diệu hơn khi cô ta xung phong quay trở lại các nhà thổ để giải cứu các cô gái". Với việc làm cao thượng đó, Somaly Mam đã nhận được giải thưởng danh giá Prince of Asturias vì những cống hiến của mình và vinh dự là một trong tám người rước lá cờ Olympic tại Thế vận hội mùa đông tổ chức ở thành phố Torino, Ý.

Năm nay 45 tuổi, Somaly Mam vẫn điều hành tổ chức thiện nguyện AFESIP. Người phụ nữ luôn nở nụ cười rạng rỡ làm việc không mệt mỏi với thiện chí và lòng quyết tâm cứu vớt các cô gái Campuchia thoát khỏi nanh vuốt những con thú mafia trong các mạng lưới buôn bán gái trinh. Cô tâm sự trên tờ Sélection của Pháp: "Tôi không thể không nghĩ đến những cô gái này, những nạn nhân bị bán làm nô lệ tình dục cũng như tôi trước đây. Tôi không có ý định cứu vớt cả thế giới, chỉ là muốn thay đổi số phận của một cô gái. Và số phận của một cô gái khác. Và thêm một cô gái khác nữa...".

Hiện nay, Somaly lập Quĩ tài trợ Somaly đặt trụ sở tại Mỹ. Được sự hỗ trợ của nhiều người và các tổ chức nhân đạo trên thế giới, cô hi vọng có thể thực hiện những điều tương tự cô đã làm ở những nước khác.

Tổ chức AFESIP

No comments:

Post a Comment