Tuesday, November 20, 2012

Hy vọng nào cho các cô gái Việt hành nghề mãi dâm ở Campuchia?

   một cô gái được chuộc ra khỏi động
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Phần âm thanh
2008-05-12

Sau loạt bài buôn người, chuyện trẻ trai trẻ gái Việt Nam bị bán vào các nhà chứa ở Malaysia và Campuchia để làm nô lệ tình dục, Thanh Trúc tưởng có thể khép lại câu chuyện thương tâm bức rức ấy như ý kiến của Linh mục Martino, nhân chứng và cũng là người thuật chuyện.
Sau đó Thanh Trúc nhận được nhiều thư phản hồi từ thính giả, bảo làm sao có thể khép lại khi mà ngoài kia còn biết bao tâm hồn tuyệt vọng đang đòi một tiếng nói, một bàn tay đưa ra cho họ nắm. Chính vì thế, hôm nay Linh mục Martino trở lại cùng quí vị: "Xét lại câu chuyện đóng kín, coi như cái chuyện đó đã qua rồi."Câu chuyện của Thiên Nga

Bây giờ mời quí vị lắng nghe tâm sự của một người con gái tạm gọi tên là Thiên Nga, bị người nhà đưa qua Kampuchia từ năm chín tuổi, mời linh mục Martino kể tiếp:

Linh mục Martino : Đó là câu chuyện của một bé gái mà khi mình gặp thì đã 19 tuổi rồi, đã quá tuổi vị thành niên, có nghĩa đã hơn một nửa kiếp người em đã phải sống trong cảnh nô lệ tình dục.

Thanh Trúc : Thưa Linh Mục, trong tình huống nào mà ông gặp gỡ với Thiên Nga, tức là người mà ông không có chủ ý muốn gặp?

Linh mục Martino : Ngày hôm đó cũng như mọi ngày mình đang ngồi trong quán cà phê, tình cờ mình thấy một người con gái -mình nghĩ đó là Việt Nam thôi- bước vô trong quán và cô ta không để ý gì đến mình hết, mà cô ta bước qua cái góc bên kia là nơi có một số người đàn ông Mỹ trắng. Chắc là cô ta qua đó để hỏi - đại khái là tự mình đi bắt mối cho chính mình đó chị. Sau đó vài phút thì cô ta trở lại cái bàn của mình. Cổ không nói, không làm cái gì hêt.

Cổ ngồi xuống và móc thuốc lá ra cổ hút tỉnh bơ và đưa cho mình một điếu. Mình mới nói "Không, cảm ơn" vì mình không hút thuốc. Mình nói bằng tiếng Anh. Thì cổ cũng chẳng nói gì hết. Và khi cổ bắt đầu nhả khói thuốc thì mình đứng dậy mình bỏ đi. Cổ kéo tay mình lại, cổ nói bằng tiếng Anh là cổ đói lắm rồi, mình cho cổ mấy đồng để cổ ăn. Thì quý vị biết rồi, cái vấn đề này nó xảy ra nhiều lắm, nhưng mà mình cứ sợ người ta xin tiền rồi người ta đi hút xì ke ma tuý.

Mà không phải chỉ trong trường hợp này đâu, mà ngay cả trong giáo xứ của mình ở Mỹ cũng vậy, tức là họ tới họ tìm đủ mọi lý do để xin tiền. Thực sự họ xin để đi hút xì ke ma tuý. Cho nên mình muốn chắc chắn là mỗi lúc mình cho như vậy là mình chỉ cho họ đồ ăn thôi chứ mình không có cho tiền.

Mình cũng nói với cô ta là "OK, cô muốn ăn thì qua nhà hàng bên cạnh mua đồ ăn cho cô". Rồi mình đứng dậy mình đi thì cổ đi theo. Khi qua bên quán thì cổ hỏi là mình cho phép cổ ăn bao nhiêu tiền. Mình mới nói là "Cô muốn ăn bao nhiêu thì cô ăn thôi, nhưng mà tôi sẽ trả tiền". Rồi cổ ngồi xuống cổ ăn. Mình nghĩ cô này cũng lớn tuổi, không phải là đối tượng để mình tìm hiểu.

Chị biết là vấn đề gái bán hoa mà, những người lớn tuổi thì đó là cách chọn lựa của họ, cho nên mình cũng chẳng để ý gì, thì ngồi cũng nói qua nói lại bâng quơ vài câu. Rồi tới lúc cuối cùng thì mình gọi tính tiền. Mình đưa tờ 10 đồng. Sau khi đó họ thối lại cho mình thì mình cho tiền "tip" một đồng rưởi. Mình nhớ vậy. Rồi mình cầm tờ 5 dôla mình đưa cho cổ và nói là "Cái này cho cô ăn buổi tối". Rồi mình đứng dậy mình đi. Mình đi ra khỏi quán, mình đang đi được một hồi thì tự nhiên có người vổ vai mình nói là "Thanh you again, you're a good man".

Mình quay lại mình thấy cổ thì mình cũng nói "Ồ, không có gì". Nhưng mà lúc đó thì cổ hỏi mình là mình sống ở đâu, mình làm cái gì, rồi cổ có thể về khách sạn với mình được không. Thì lúc đó mình thật sự bực mình lắm, vì tự nhiên vác cái hoạ vô thân. Cho nên mình nói cái giọng cũng đanh lại: "Tôi ở đâu, chuyện đó không phải việc của cô". Nhưng mà cổ cứ đi theo, cổ năn nỉ, cổ nói là "Ông cho tôi về ở với ông đi rồi tôi sẽ phục vụ ông từ A tới Z, và tôi không lấy tiền ông, ông đừng có lo, tại vì ông là good man, ông cho tôi ăn thôi, tôi không lấy tiền của ông."

Thế là mình bực mình, mình vẩy một chiếc xe "Tuk Tuk" như kiểu xe lôi ở Miền Tây của mình đó. Mình đi một vòng thành phố, đi vô chợ. Vừa mới đi ra tới cửa chợ thì thấy cổ đang ngồi vắt ve vắt vẻo trên cái xe Honda ngay trước cửa chợ đợi mình. Rồi cổ lại chèo kéo mình. Lúc đó nhiều khi mình nghĩ là cũng chẳng có thể trốn được cổ, thế là mình nói với cổ: "Được rồi. Tôi cho cô ở một ngày và tôi cấm cô không được nói tới chuyện A tới Z. Tôi không muốn nghe tới chuyện đó và tôi cũng không muốn làm chuyện đó." Cổ nói vậy thôi, cổ chở mình về khách sạn. Rồi mình với cổ cũng ngồi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh.

Thì như quý vị biết, trong tất cả những câu chuyện khác mà mình kể cùng quý vị là mình nghe được từ các em nó nói với nhau, nhưng mà cái câu chuyện này là mình nghe được chính từ miệng cô này nói với mình bằng tiếng Anh. Và câu chuyện đó như vầy: Cô ta không còn nhớ quê quán, không còn nhớ sinh ra và lớn lên ở đâu. Cô ta chỉ có nhớ mang máng là nơi đồng quê, nơi có ruộng lúa mà thôi. Và khi cô ta lên 9 tuổi thì được một người chị họ dẫn qua bên Kampuchea. Đó là năm 1996. Và từ đó cuộc sống của cô ta không còn gì là vui. Cô ta bị các tú ông tú bà cứ chuyền tay nhau để chăn dắt để làm nô lệ tình dục. Và 9 năm sau, đến năm 17 tuổi, nghĩa là năm 2005, họ đuổi cô ta ra khỏi động, vì trong động đó nó chỉ chăn dắt những đứa trẻ dưới tuổi vị thành niên thôi.

Cô ta đã 9 năm trong đó, nói chung là lớn tuổi rồi nên không còn hợp nữa. Và thế là cô ta bắt đầu lang thang đi xin việc trong các quán cà phê, các nhà hàng, nhưng mà không có chỗ nào nhận. Rồi không có một mảnh giấy tuỳ thân nên em phải quay về con đường bán thân để nuôi miệng. Một đưa bé 17 tuổi phải tự đi kiếm sống, tự đi kiếm mối cho chính mình. Thì đã 2 năm rồi và hôm nay mình gặp được cô ta.

Trong suốt câu chuyện cô ta kể cho mình, cô ta cứ nói bằng tiếng Anh, cô ta cứ lập đi lập lại một câu là "You are a good man" (Ông là một người đàn ông tốt lắm) bởi vì cô ta nói mình là người đàn ông trả tiền cho cô ta hoặc lo lắng cho cô ta mà chưa ăn ở gì với cô ta, mà cũng không muốn ăn ở với cô ta và cấm cô ta không được nói về điều đó.

Thanh Trúc : Và cũng từ lúc đó cô ấy được Linh Mục đặt cho cái tên là Thiên Nga?

Linh mục Martino : Và mình xin cổ chở mình đi mỗi ngày để đi vô trong cái xã hội, cái thế giới của những người đó thì mình sẽ trả tiền cho cổ, thì cổ mới cười, cổ nói: "Tôi không lấy tiền thù lao của ông đâu. Ông cho tôi ăn là được rồi". Và trong những ngày sau đó cổ tiếp tục chở mình đi hết tới động này tới động kia, quán cà phê, những nơi mà những cuộc buôn bán, những cuộc trao đổi vẫn cứ thường xảy ra. Cổ ngồi cổ giải thích cho mình rất nhiều những cái vấn đề trong đó.

Dĩ nhiên cũng có một số việc mình đã biết và số việc mình không biết, nhưng mình cứ giả lơ như là mình không biết để mình nghe cổ nói. Thứ nhất là để xem xét cổ có nói thật hay không, thứ hai là để mình biết nhiều hơn. Thì một số vấn đề nó là như vầy: Các trẻ Việt Nam bị bán qua Kampuchea làm nô lệ tình dục được chia làm hai loại. Thứ nhất là các em nhỏ, đại khái 11-12 tuổi gì đó, thì những em này hầu hết -không dám chắc 100%- nhưng mà hầu hết là lo vấn đề khẩu dâm.

Rồi những em trên tuổi đó, tức là những em bắt đấu có kinh nguyệt lần đầu để trở thành người con gái thì những em này bắt đầu bị tiếp khách. Bình thường mỗi ngày -tức là điều này mình đã biết rồi- mà chính miệng cổ nói với mình là bình thường một ngày mỗi em phải tiếp từ 10 tới 15 khách. Mình nói thật là mình đã biết rồi, nhưng mà nghe tới đó tức là nó làm cho mình nghe mà muốn bệnh.

Và cứ mỗi lần khi các em đi với khách xong thì các em được thưởng công cái gì, quý vị biết không? Chỉ là một gói mì gói và một cái bánh hay cái gì đó để ăn để lấy sức chuẩn bị tiếp người khách kế tiếp. Xin lỗi quý vị, nghe nó khốn nạn làm sao!

Thanh Trúc : Có lẽ Thiên Nga cũng đã kể cho Linh Mục nghe là em đã gặp những trẻ rất là bệnh hoạn?

Linh mục Martino : Thì chắc chắn rồi, nhưng mà cái đáng sợ nhất là không phải chỉ những kẻ bệnh hoạn mà những kẻ dùng ma tuý. Là người lớn chúng ta đều hiểu ma tuý và tình dục mà đi chung với nhau thì kinh hoàng lắm. Nga kể cho mình nghe là có một số em chết vị HIV, túc là bị SIDA đấy chị. Rất là kinh hoàng. Nga kể trong cuộc sống của Nga, Nga đã bị vài lần. Tức là những người họ thuê các em vài ngày hoặc một tuần, có nhóm 5-7 người đàn ông họ vừa chơi ma tuý vừa thay phiên nhau hãm hiếp. Cái đó là nỗi sợ hãi và kinh hoàng nhất trong cuộc đời các em.

Thanh Trúc : Thưa, dường như là có kẻ còn bắt buộc các em phải dùng ma tuý với họ nữa?

Linh mục Martino : Đúng đó chị. Tức là khi mà họ dùng ma tuý thì họ bắt các em phải dùng chung với họ. Và Nga có nói với mình là sau những lần phải đi khách với những người như vậy thì về cái thân xác rất là đau đớn và kinh hoàng trong rất là nhiều tháng kế tiếp.

Đoạn kết đáng mừng
Bảng quảng cáo một buổi hội thảo
về nạn buôn người tổ chức tại
Bangkok hôm 6-8-2004. AFP 
Thưa Linh Mục, câu chuyện của Thiên Nga chừng như là có một đoạn kết khá là có hậu, nghĩa là một đoạn kết đáng mừng, phải không ạ?

Linh mục Martino :Cái tình của mình rất là thẳng cho nên mình hỏi với em đó là nếu mà em đã đau khổ như vậy thì tại sao lúc em được tự do, tức là lức em không còn bị người ta bắt làm nô lệ tình dục nữa, tại sao em quay lại con đường đó? Và Nga cúi đầu xuống và những giọt nước mắt lăn trên má của Nga, và Nga không trả lời. Và cũng giống như trong câu chuyện trước mà mình đã thưa với quý vị, không ai muốn nghe câu chuyện buồn, nhưng mà câu chuyện này của Nga thì rất có hậu.

Bởi vì những giọt nước mắt đó khi Nga cúi đầu xuống nghe mình hỏi, mình có liên lạc với một số bạn bè của mình và họ đã cho Nga một ít tiền. Ngày hôm nay khi mình ngồi nói chuyện với chị Trúc cũng như quý vị đang nghe đây, thì Nga đã làm chủ một quán cà phê, tuy rất là nhỏ, ngay cái nơi mà hơn nửa kiếp người của em phải bán thân mà nuôi miệng.

Em dám quên đi cái quá khứ của mình để bước vào một cuộc sống mới. Tuy nó không có dễ dãi bởi vì có những người bảo kê họ vẫn tới làm khó dễ, rồi những câu nói khinh bỉ, những cái nhìn nhục mạ vẫn còn tiếp tục, nhưng mà em đã bắt đầu vươn lên. Và cái mà mình và quý vị vui nhất, đó là cái quán cà phê của Nga đang là cái nơi để giúp những em nhỏ, tức là có một thoát, có một cái nhìn tốt hơn về cuộc đời.

Tuy nó chưa có nhiều bởi vì quý vị biết thân của Nga là thân con gái nên cũng không dám làm cái gì công khai lắm, nếu mà làm công khai quá thì các kẻ bảo kê sẽ tới giết em. Nhưng mà ít nhất là em đã bắt đầu dám đứng lên, đã đem những nụ cười đến cho những em hiện bây giờ đang bị làm nô lệ tình dục trong các nhà chứa. Và đối với mình, câu chuyện của Nga là câu chuyện của một nhân chứng sống. Nga đã dám bước ra khỏi con đường của mình, cố gắng quên đi cái quá khứ để mà vươn lên.

Ba chục ngàn trẻ em

Thanh Trúc : Đó là câu chuyện về một kiếp đời tủi nhục, mà thông điệp sau cùng là hy vọng, là tự cứu mình trứơc khi được cứu giúp. Chỉ xin thưa hành động cứu giúp này diễn ra trong khiêm tốn và thầm lặng, như lời chúc phúc ân cần từ những ngừơi quan tâm gởi đến những mãnh đời rách nát đau khổ ngoài kia. Hy vọng Thanh Trúc có thể tạm chấm dứt loạt bài này tại đây, và xin quí vị nhớ giùm Thanh Trúc những con số như thế này:

Linh mục Martino : Năm 2004 khi chương trình của Đài NBC họ làm thì có 37 em được giải cứu, hầu hết là Việt Nam. Đài truyền hình NBC rất là có thế cho nên họ làm qua Bộ Ngoại Giao của Hoa Kỳ, với lại Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Kampuchea, mà chỉ cứu được 37 em. Nhưng mà trong khi đó Bà Bộ Trưởng Phụ Nữ Kampuchea trả lời phóng viên Đài NBC là có khoảng 30 ngàn em. Thưa quý vị, 37 em được giải cứu trên 30.000 em!

Thanh Trúc : Ba chục ngàn không phải là con số nhỏ.

Linh mục Martino : Cái đau khổ hơn là mình biết được trong ba chục ngàn em đó hầu hết là các trẻ em người Việt Nam, những người cùng tiếng nói với mình. Và câu hỏi của chúng ta là chúng ta có thể làm được gì cho các em.

Một bà cụ 63 tuổi ở Oakland (California) email cho mình và nóí : "Sau khi nghe trên Đài Á Châu Tự Do thì con liên tưởng như vầy Cha ơi: Hai ngàn năm sau con cái của Chúa cũng bị quân dữ kéo chân tay ra cột vào thành giường đánh đập, hành hạ và chà đạp. Ôi, những niềm đau không thể tả được, Cha ơi!"

Thanh Trúc : Như linh mục Martino từng thưa cùng quí vị, là nghe để biết, để thương , để hiểu, và để xem mình có thể làm được gì , chứ không phải để nhắc mãi một câu chuyện buồn để cào cấu mãi vào một vết thương chưa lành.

Linh mục Martino : Tức là chúng ta tiếp tục đồng hành chứ chúng ta đừng có đóng kín lại, coi như chuyện đó nó đã qua rồi. Và cuối cùng qua tiếng nói của chúng ta, một ngày nào đó các em cũng sẽ được giải thoát. Cảm ơn chị Thanh Trúc. Và xin chào quý vị.

Thanh Trúc : Mục "Đời Sống Ngừơi Việt Khắp Nơi" tạm dừng ở đây. 

Thanh Trúc hẹn tái ngộ quí thính giả tối Thứ Năm tuần tới.

No comments:

Post a Comment