Tờ giới thiệu buổi ra mắt cuốn sách From Our Eyes, Mekong Migrant Reflections - 2000-20129 |
2012-08-30
The Mekong Migration Network, Mạng Lưới Di Dân Mekong, vừa tổ chức một buổi ra mắt sách tại Bangkok, Thái Lan, để giới thiệu tuyển tập Anh ngữ, Người Di Cư Mekong Phản Chiếu Trong Mắt Nhìn
Tải xuống - download(Courtesy mekongmigration.org)Đặc biệt trong cuốn Người Di Cư Mekong Phản Chiếu Trong Mắt Nhìn có chuyện một cô bé sinh trưởng tại Quảng Ngãi trong một gia đình mười ba đứa con, và cô đã bị người quen đưa sang Thái Lan bán vào động mãi dâm, mở đầu một cuộc sống truân chuyên trôi nỗi từ Thái Lan đến Malaysia rồi trở về Kampuchia.
Từ Quảng Ngãi đến Thái Lan
Được sự chấp thuận của nạn nhân cũng như của tổ chức phi chính phủ CWCC ở Kampuchia, Thanh Trúc mời quí vị nghe Đặng Thị Phương tự thuật đời mình trong chương trình hôm nay:Không có sao, chị đưa tên em lên được, em không có mắc cỡ đâu. Hồi đó gia đình em khổ dữ lắm, rồi mẹ em mới dắt chị em em đi Sài Gòn. Đi Sài Gòn thì tụi em đi bán vé số kiếm tiền cho mẹ đi bán đồ nhậu. Hồi đó đi Sài Gòn tụi em sống ở đường Tô Hiến Thành hẻm 132 .Lúc đó em mới mười một tuổi.
Đó là năm 1991, một chuyện đau lòng xảy ra là cô bé bị người cha ghẻ hãm hiếp trong một cơn nhậu say:
Rồi em hận ổng em kêu mẹ thôi mà mẹ không thôi. Sau này có người hỏi em muốn đi làm ăn kiếm tiền giúp mẹ không. Người đó tên Tiền, quen biết thân với mẹ em, em nghe bả nói làm một tháng được một trăm đô, hồi đó nghe một trăm đô là hai triệu mấy em mừng muốn chết. Rồi em mới nói em đi.
Vì hận người cha dượng cứ hành hạ mẹ và còn hãm hại chị em cô, Phương đã không đi một mình mà rủ thêm người chị ruột của cô nữa:
Sang đến Thái Lan, tỉnh Nakhompathom, bà Tiền bắt cả bọn đi ăn xin. Những đứa trẻ cả trai lẫn gái trong băng bị đổ a xít hòa với xà phòng vào chân cho sưng phỏng lên rồi cầm bát ra đường xin tiền
cô Đặng Thị Phương
Chị em với em đi không cho mẹ biết, đi nguyên một băng tới bảy tám người lận.
Lên tới Poipet, Kampuchia, bà Tiền đem bán chị ruột của Phương vào một động mãi dâm:
Lên tới Poipet này bả để em ở khách sạn, rồi bả dắt chị em đi mất tiêu ba bữa. Em hỏi chị em đâu bả nói đem gởi cho người ta, đưa tụi em lên Thái trước.
Sang đến Thái Lan, tỉnh Nakhompathom, bà Tiền bắt cả bọn đi ăn xin. Những đứa trẻ cả trai lẫn gái trong băng bị đổ a xít hòa với xà phòng vào chân cho sưng phỏng lên rồi cầm bát ra đường xin tiền:
Nói thẳng ra là tụi em bị a xít hết một bên cho có thẹo để đi làm kiếm tiền. Em đi xin mà em trả cho bả hết bốn ngàn đô. Em không thiếu tiền bả, không có mượn tiền gì đâu. Qua tới đó bả hành hạ em, nói nếu không mần trả nợ tao thì tao giết mày chết. Bả đập tụi em mỗi ngày luôn. Lúc đó có một ông già cũng bị bả gạt lên trển nữa.
Hồi đó em làm được lắm, một ngày hai ngàn ba ngàn (baht) lận, mần bao nhiêu bả lấy hết, bất cứ tụi em mà dấu tiền bà soát được bả đánh. Tụi em mần thấy tiền nhiều tụi em mới dấu, em dấu trong áo ngực trong áo lá, về tới bà xét được bả đánh bả không cho em ăn cơm tới mấy ngày luôn. Tiền mần bao nhiêu bả lấy hết, bả nói trả hết bốn ngàn đô cho bả rồi muốn đi đâu thì đi.
Hai năm lê lết đầu đường xó chợ, ăn mày ăn xin mang tiền về cho chủ, Phương lớn dần và bắt đầu biết hổ thẹn, không muốn làm nghề hành khất nữa. Khi đó cô được mười lăm tuổi:
Trả nợ bả xong nhưng còn thiếu tiền, sau này em đi bán bông là em nhờ người ta giúp giùm. Tại vì lúc đó em biết từ từ em mắc cỡ, em nói để em đi bán bông thì bả cho em đi. Bán một ngày được ngàn ngàn rưỡi, bán bao nhiêu bả lấy tiền của mình hết, chỉ cho cơm nước thôi.
…trở về Kampuchia
Sau đó, Phương nhờ người đưa cô đi khỏi Nakhompathom, không may cô bị cảnh sát Thái bắt ở biên giới rồi đưa trả cô về Poipet, Kampuchia. Được tin này, bà Tiền sang Poipet chuộc cô về lại Nakhonpathom:
Về đây mần trả nợ bả nữa. Tụi em ở chung một nhà đông lắm, tới năm mấy sáu chục người lận, bà chủ ác dữ lắm. Trai gái rồi con nít khoảng hai ba tuổi cũng có, bốn năm tuổi cũng có. Mấy đứa con nít đi xin không được về bả cũng đánh đập. Đừng nói người khác, em là bả đánh tới bễ đầu mà không đưa đi bác sĩ đó.
Hai năm lê lết đầu đường xó chợ, ăn mày ăn xin mang tiền về cho chủ, Phương lớn dần và bắt đầu biết hổ thẹn, không muốn làm nghề hành khất nữa. Khi đó cô được mười lăm tuổi
Một ngày nọ bà chủ của Phương bị cảnh sát bắt, người chồng phải đút lót sáu chục ngàn baht Thái để xin cho vợ ra tù rồi cả hai dọn nhà đi nơi khác. Lợi dụng lúc này Phương bỏ trốn, tá túc nhà một gia đình người Việt có con cũng đi ăn xin như cô. Gia đình này rủ Phương xuống Bangkok tìm việc.
Đến Bangkok, không có việc làm Phương lại đi ăn xin tiếp trong một năm, tiền kiếm được cô nhờ người mẹ trong gia đình này giữ hộ. Một đêm, lúc Phương ngủ say, gia đình này biến mất cùng với số tiền cô chắc bóp gởi cho họ.
Tứ cố vô thân, cô đến cầu cứu hai người chồng Thái vợ Việt mà cô biết được khi xuống Bangkok. Họ cho cô mượn hai ngàn baht Thái và thuận cho cô ở nhờ. Chỉ một tháng sau, Phương bị người chồng xâm hại tình dục:
Em sợ em không dám ở với bả nữa, em nhờ người ta đưa đi đâu thì em đi đó. Rồi có một người tên là chị Vân, chỉ nói bây giờ ra ngoài sống đi, đi bán bar với chị. Chỉ dắt em tới đẳng rồi cái bỏ em luôn. Năm đó em mười lăm tuổi, nói thẳng là em đi khách luôn, quán ở đó có phòng cho mình đi tại nhà luôn. Hồi đó, lúc em bước vô làm, em đi một ngày tệ nhất là năm người tới mười người. Khách đa số là khách Việt Nam, khách Thái khách Kampuchia cũng có.
Làm gái tại quán karaoke này, Phương kể tiếp, cô được chia 50% mỗi lần tiếp khách, làm không bao lâu thì tiệm bị bố ráp, cảnh sát bắt cô mang về giam tại nhà tù Sadao ở Songkhla. Trong nhà giam, cô đã quan hệ với lính gác tù để có tiền mua thức ăn:
Em mần thì em chia đôi với người ta, hỏi chủ thì chủ nói từ từ hãy chia, hợp đồng sáu tháng tới một năm mới chia. tới lúc bị bắt thì không có một đồng ở trong người nữa. Em bị bắt rồi tiền bạc em mất hết.
Năm đó em mười lăm tuổi, nói thẳng là em đi khách luôn, quán ở đó có phòng cho mình đi tại nhà luôn. Hồi đó, lúc em bước vô làm, em đi một ngày tệ nhất là năm người tới mười người
cô Đặng Thị Phương
…sang Malaysia
Ba tháng sau, cảnh sát Thái chuyển cô đến Trung Tâm Di Trú Thái Lan để chuẩn bị trục xuất về Kampuchia qua cửa khẩu quốc tế Poipet-Aranyaprathet:
Về tới Poipet này em gặp một người con gái với một người đàn ông, kêu em đi qua Malaysia, em cũng nghe lời người ta em qua tới Kuala Lumpur. Qua tới Malaysia em bị người ta bán vô cho chủ Việt Nam mình, tên bà là Bảy Chòi, chồng tên là Bảy Phước Bò. Hồi đó ở bển một ngày em đi tệ nhất là hai chục cái dù, tiếp khách hai chục người đó. Rồi cũng bị người ta gạt đòi trả nợ hai ngàn năm trăm đô nữa. Một cái dù 50 ringgit chia đôi với người ta, dù bao nhiêu chủ lấy hết, không được giữ tiền, thiếu nợ bao nhiêu người ta trừ cho mình.
Một ngày nọ cảnh sát Malaysia tảo thanh quán gái nơi Phương hành nghề, cô bị bắt giữ trong sáu tháng. Ra tòa ba lần, Phương nói dối mình là người Kampuchia. Cô bị trục xuất từ Kuala Lumpur về lại Poipet. Cứ mỗi lần như vậy thì bà chủ lại chuộc cô về Malaysia.
Năm 2002 , một lần bị trả về Poipet, cô quyết định ở lại, hành nghề mãi dâm trong một tiệm mát xa trá hình, rồi cũng bị bắt đi bắt lại rất nhiều lần. Tiếp đó, một người trung gian dẫn cô trở qua Thái Lan, hành nghề mãi dâm tại một quán gái ở Hatyai. Dành dụm được một ít tiền, trở về Poipet, Phương trả hết nợ cho người chị ruột cùng đi với cô năm 1991, lúc này đang sống với một ông chồng nghiện ngập và đang rất nặng nợ. Tiếp đó, một người trung gian dẫn cô trở lại Malaysia.
Tại Malaysia, trở lại với bà Bảy Chòi, Đặng Thị Phương bị bà Bảy Chòi lợi dụng, biến cô thành kẻ buôn người, một hành động mà cô không hề biết đó là tội phạm:
Qua tới Malaysia em bị người ta bán vô cho chủ Việt Nam mình,tên bà là Bảy Chòi, chồng tên là Bảy Phước Bò. Hồi đó ở bển một ngày em đi tệ nhất là hai chục cái dù, tiếp khách hai chục người đó.
cô Đặng Thị Phương
Ở với bả mần bao nhiêu cũng hết, sau này kiểu như em muốn lấy lòng bả đặng em kiếm đường đi về. Bả có nhờ em một chuyện, kêu em đi theo bả về Việt Nam. Rồi bả mới kêu em bồng em bé từ Việt Nam đi qua bên Mã Lai. Em bé nhỏ ba bốn tháng, thì dụ cha mẹ người ta sanh trong bệnh viện rồi em đem tiền vô năm trăm đô hay là hai ba trăm đô không biết, nhưng mà đứa con nít đó là em lấy đem qua Mã, bán lại cho người ta một đứa là năm ngàn đô bảy ngàn đô đó. Lần đầu tiên lên trển em ẳm mình em ba đứa luôn đó chị. Đó là chạy năm 2005-2006.
Được hỏi trong khoảng thời gian đó cô đã đưa bao nhiêu đứa trẻ qua Malaysia, Phương ngập ngừng thú nhận:
Nói ra không hết, đi lần hai đứa lần ba đứa, em đi tới mấy năm trời lận. Cũng nhiều lắm chị ơi. Bả nói một đứa bả cho em năm trăm đô, nhưng mà bao nhiều chuyến cũng không thấy tiền. Em không biết đâu, sau này bễ chuyện ra người ta nói nếu mà làm vậy một đứa con nít mình ở tù mười lăm năm đến mười tám năm. Em chỉ nghe chứ em không có biết về luật pháp có cái như vậy.
…về lại Việt Nam
Nhờ được bà chủ tin cậy, giao hẳn cho một quán gái để trông coi, sau này Phương còn giúp giải thoát cho hai cô gái Việt Nam, tạm gọi là Hường và Út Nga:
Hai người đó cũng bị người ta gạt bán qua bển cho bả, cũng bằng tuổi em. Ở lâu tụi em có tình thương bạn bè. Một ngày bả đem Út Nga đi, em theo dõi em biết bà đi sang tay cho người ta. Em kiếm chuyện em nói nếu không đem nó về là tụi em quậy cho bị bắt hết luôn. Bả sợ mới mang Út Nga về, giao cho nó ở với em. Tụi em mới bàn với nhau, một ngày đó em với Út Nga với chị Hường bỏ trốn.
Khi mang hai bạn về tới Việt Nam, Phương đã cố đi tìm mẹ và anh chị em của mình nhưng tất cả đã biệt tăm. Cô lại một mình trơ trọi đi về Poipet:
Về dưới không có giấy tờ, đường đi nước bước em quên hết, kiếm cha mẹ không biết đâu, hỏi người ta nói mẹ đi mất tiêu rồi. Em mới nghĩ thôi giờ trở qua đây làm sống mình em. Qua đây thực sự là em làm gái, em làm trong mười lăm năm.
.. sang Kampuchia tiếp tục cuộc đời bán phấn buôn hương
Tiếp tục cuộc đời bán phấn buôn hương ở Poipet, Đặng Thị Phương may mắn gặp những người trong Poor Family Development, Phát Triển Gia Đình Nghèo, được tổ chức phi chính phủ này giảng giải cho biết sự nguy hiểm của HIV/AIDS. Khi đó cô mới hiểu về căn bệnh chết người này.
Em biết nhưng mà nếu không đi khách thì đâu có đủ xài, giờ có người nước ngoài cho em đi học nghề uốn tóc, học xong mở tiệm chứ không cho em đi làm nữa.
cô Đặng Thị Phương
Với sự hỗ trợ của PFD, Phương tự nguyện gặp gỡ các chị em cùng nghề để giúp họ cảnh giác về HIV/AIDS:
Mà em nói thẳng hồi đó em cũng chơi hàng heroin, cũng có hút cũng có dính vào đó nữa. Sau này em có vào Câu Lạc Bộ của PFD, người ta giáo dục cho em, nói em cứ vô làm đi, vô dạy gái Việt Nam tại hồi đó gái Việt Nam ở đây nhiều lắm. Năm 2007 là em đi theo người ta để giáo dục, nói thẳng ra là phải biết cẩn thận cho mình, phải xài bao cao su với khách. Em cũng có giúp cho một người bạn em tên Thủy, em dạy nó, cuối cùng nó cũng mang bịnh nó chết.
Hồi đó nói thẳng ra là SIDA có rồi nhưng mà mấy đứa này nó không mấy gì tin tưởng. Gái đi làm không phải Việt Nam hay người gì, tiền là cao hơn hết cả.
Đó là chuyện kể của Đặng Thị Phương, hiện vẫn còn hành nghề mãi dâm tại Poipet. Bây giờ cô đang được một tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài giúp cho đi học nghề uốn tóc. Cô sẽ mở tiệm, sẽ từ bỏ nghề cô đang làm:
Em biết nhưng mà nếu không đi khách thì đâu có đủ xài, giờ có người nước ngoài cho em đi học nghề uốn tóc, học xong mở tiệm chứ không cho em đi làm nữa. Em thiệt tình giờ em mong muốn gặp cha mẹ em, sau đó em tính nữa. Học xong em muốn về dưới em sống.
Với hy vọng của Phương,
Thanh Trúc xin được kết thúc câu chuyện ở đây.
Mong gặp lại quí vị tối thứ Năm tuần tới.
No comments:
Post a Comment