Kinh doanh & Pháp luật - Mới đây trong phiên
họp của Ủy ban Thường vụ QH bàn về thực trạng lãng phí, có ĐB đã nói: “Trụ
sở một số tỉnh thì mênh mông, trụ sở của đảng ủy nhiều tỉnh thì phản cảm, xây
dựng lộng lẫy, xa hoa. Đây là nơi phục vụ dân chứ không phải là cung điện”.
Đấy là chuyện tài sản công, nay quay lại ở tỉnh Bình Dương mới biết, “dinh thự”
của Chủ tịch UBND Bình Dương Lê Thanh Cung xem ra cũng nguy
nga, lộng lẫy và sang trọng như một cung điện…
Theo thông tin bạn đọc cung cấp, nhóm PV đã đi
tìm hiểu và thật sự bất ngờ trước khối tài sản của Chủ tịch UBND tỉnh Bình
Dương, và những gì PV ghi nhận được ai ai ở đất Bình Dương ít nhiều cũng biết.
Thật ra tài sản ấy từ đâu mà có?
Từ khu rừng cao su lên đến hơn 100 ha
Khi vừa đến thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát,
tỉnh Bình Dương, để ăn sáng, hỏi thăm rừng cao su của ông Chín Cung, ai cũng
biết và họ tận tình chỉ đường cho chúng tôi tìm đến. Họ còn “lưu ý” rằng:
“Trong khu vực rừng cao su đó, khi nào các anh thấy nơi nào có tường rào kẽm
gai, toàn bộ rừng cao su có đến hàng trăm hecta nhưng đều được rào bằng rường
rào kẽm gai hẳn hoi, đường dẫn vào rừng cao su tráng nhựa đẹp, đó là rừng cao
su của ông Chín Cung”….
Theo sự chỉ dẫn của người dân, khoảng 20 phút
sau, chúng tôi có mặt tại Ấp 8 (nay đổi tên thành Ấp Bến Sắn), thuộc xã Long
Nguyên, huyện Bến Cát. Cũng thật không khó để nhận ra rừng cao su bạt ngàn của
ông Chín Cung trên con đường tráng nhựa liền lặn và đẹp nhất ở xã Long Nguyên.
Nhằm làm rõ rừng cao su được bao bọc bởi hàng rào kẽm gai kiên cố, vào vai một
người khách đi lỡ đường, tôi tấp xe gắn máy vào căn nhà nằm trong khuôn viên
rừng cao su của ông Chín Cung.
Tòa dinh thự nguy nga và bề thế của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung
Một người đàn ông luống tuổi, ở trần trùng
trục, trên người nhễ nhại mồ hôi, bước ra hỏi chúng tôi kiếm ai. Chúng tôi giả
vờ hỏi thăm rừng cao su của ông Chín Cung ở đâu, người đàn ông nhanh nhảu nói:
“Ở đây, khoảng 100 hecta này là của ông Chín Cung. Cao su này được 6-7 tuổi,
các chú hỏi mua cao su phải không?”. Chúng tôi phải trả lời khéo là nghe nói
ông Chín Cung có rừng cao su đẹp, nên muốn đến tham quan. Người đàn ông cho
biết tiếp: “Khỏi nói rồi, rừng cao su của ông Chín ở đây ai mà không biết ngon
lành nhất vùng”. Chịu khó mất khoảng một giờ đồng hồ đảo quanh khu vực rừng cao
su của ông Chín Cung, chúng tôi phải thừa nhận là rừng cao su của ông Chín
thuộc hàng đắt giá nhất ở địa phương. Các con đường chính dẫn vào rừng cao su
ông Chín Cung đều được xây dựng liền lạc, khi qua khỏi ranh giới rừng cao su
của ông Chín Cung là đường sá bầy hầy, xuống cấp…
Theo giá cả mà chúng tôi hỏi thăm nhiều người
dân ở xã Long Nguyên, mỗi hecta rừng cao su mặt tiền đường nhựa đẹp như rừng
cao su của ông Chín Cung có giá 1,2 - 1,3 tỷ đồng. Từ diện tích rừng cao su
trên dưới 100 hecta kể trên, ông Chín Cung đang có trong tay số tài sản “nhỏ
nhoi” lên đến hàng trăm tỷ đồng. Một số tiền khổng lồ đối với người dân ở địa
phương, cả nước nói chung.
Khu rừng cao su rộng hơn 100 ha, trị giá gần 150 tỷ đồng của ông Chín Cung
heo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 1978 -
1982, ông Lê Thanh Cung là cán bộ thường trực Phòng Kế hoạch huyện Bến Cát,
tỉnh Sông Bé cũ, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn huyện Bến Cát. Từ năm 1982 -
1983 đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng Ban Thống kê - Kế hoạch - Lao động huyện Bến
Cát, tỉnh Sông Bé. Giai đoạn năm 1983 - 1987 ông Lê Thanh Cung nhận chức vụ
Huyện ủy viên, Ủy viên UBND huyện Bến Cát, Trưởng ban Kế hoạch huyện. Đến năm
1987 - 1991 là Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Cát, tỉnh Sông
Bé.
Đến “dinh thự” trị giá hơn 20 tỷ đồng
Từ rừng cao su bạt ngàn của Chủ tịch UBND tỉnh
Bình Dương, qua sự chỉ dẫn của người dân địa phương chúng tôi vào quán ăn ngay
thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương dùng bữa cơm trưa. Cũng chẳng mấy khó
khăn, chúng tôi được chiêm ngưỡng “dinh thự” của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
Lê Thanh Cung, tọa lạc tại đường ĐX81, phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một. Nằm gọn
trong khu đất rộng lớn mênh mông, “dinh thự” của ông Lê Thanh Cung ước tính gần
1000m2, cũng được nhiều người dân nơi đây đánh giá thuộc hàng sang trọng nhất
nhì của tỉnh Bình Dương. “Dinh thự” được xây dựng theo phong cách hiện đại, với
nhiều căn phòng tráng lệ, hướng ra mặt tiền đường, tương tự như nhiều căn nhà
nhỏ bao quanh “dinh thự”. Ngay sân nhà có hàng trăm loại cây kiểng đắt tiền, có
cặp kiểng quý, hàng rào phía trước có remote điều khiển từ xa. Cửa rào vừa bật
mở là ba, bốn con chó dữ nhảy ra, sủa inh ỏi… Trong vai là người cần tìm mua
cây kiểng quý, chúng tôi hỏi thăm ở đâu có kiểng bán, người giữ vườn nói: “Mấy
anh tìm nhầm nhà rồi, đây là nhà của ông Chín Cung, Chủ tịch tỉnh, kiểng này
của ổng có bạc tỷ, ai mà mua nổi…”.
Để góp phần làm rõ thêm khu vườn “cao su bạt
ngàn” của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung, PV tìm đến nhà một cán
bộ lãnh đạo của địa phương theo sự hướng dẫn của người dân ở xã Long Nguyên và
được ông B.T, nguyên lãnh đạo UBND xã Long Nguyên cho biết: “Phần đất mà Chín
Cung đang sử dụng trước đây có nguồn gốc từ lâm trường Long Nguyên, lâm trường
có tổng diện tích là 320,7 hecta. Về sau lâm trường Long Nguyên giải thể, khi
ấy Chín Cung đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Ban Thống kê - Kế hoạch - Lao động
huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé cũ (nay là tỉnh Bình Dương). Không hiểu vì sao lúc
ấy Chín Cung được “cấp” đến 130 hecta đất rừng cao su của lâm trường Long
Nguyên thuộc Ấp 8 (nay là Ấp Bến Sắn), xã Long Nguyên. Những người khác, từ cán
bộ văn phòng UBND đến Trưởng Ấp cũng được “cấp” 2-3 hecta. Riêng Chín Cung thì
có đến 130 hecta đất rừng cao su…”.
(Theo báo Kinh doanh & Pháp luật)
No comments:
Post a Comment